Thổ cẩm là gì?

Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ các sợi vải có nguồn gốc từ cây lanh, cây bông và cây gai. Thông thường, trên bề mặt vải thổ cẩm được dệt rất tỉ mỉ, chi tiết và kì công để tạo ra các ô hoa văn nổi lên như thêu bằng tay song cả quá trình này đều được thực hiện trên khung cửi dưới sự tác động của sức người.

Vải thổ cẩm được làm thủ công phổ biến nhất ở vùng dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc khác nhau lại có sự thể hiện hoa văn được dệt lên vải khác nhau toát lên bản sắc riêng của dân tộc đó. Vải thổ cẩm đã xuất hiện từ lâu và đến hiện nay trở thành loại trang phục được nhiều người ưa chuộng và đặc biệt du khách khi đến với các vùng dân tộc thiểu số cực kì thích trang phục và phụ kiện thổ cẩm. Vải thổ cẩm đã xuất hiện ở nhiều thành phố du lịch cả trong và ngoài nước chứ không gói gọn trong một phạm vi nào hết.

det-1665426928.jpg
Vải thổ cẩm được làm thủ công phổ biến nhất ở vùng dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc khác nhau lại có sự thể hiện hoa văn được dệt lên vải khác nhau toát lên bản sắc riêng. Ảnh minh hoạ

Đặc trưng màu sắc và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc

Mặc dù cùng là chất liệu thổ cẩm nhưng mỗi vùng miền, dân tộc khác nhau sẽ có những màu sắc và các mẫu hoa văn khác nhau được dệt lên những tấm vải thổ cẩm. Mỗi hoa văn, biểu tượng sẽ tượng trưng cho những tín ngưỡng, tôn giáo đặc biệt của từng dân tộc cụ thể như sau:

1. Khmer

Đối với những tấm vải thổ cẩm của người Khmer được dệt cực kì tinh tế, tinh xảo từ những chi tiết nhỏ nhất. Đặc trưng vải thổ cẩm của người Khmer là đều trực tiếp hoa văn lên bề mặt vải.

2. H’ Mông

Đối với vải thổ cẩm của người H’Mông đặc trưng dễ nhận thấy nhất là trên bề mặt vải được dệt các kiểu hoa văn có hình chữ thập, chữ công và chữ đinh một cách liên tục kế tiếp và kết hợp một cách linh hoạt. Bên cạnh những hoa văn cơ bản thì vải còn được dệt các ô hình có dạng tam giác, quả trám hoặc tam giác và các đường viền hình gãy khúc.

3. Dao

Đặc trưng vải thổ cẩm của người Dao là chuộng hoa văn đơn giản và trong quá trình dệt vải thì hoa văn sát hơn hẳn so với những vùng miền khác. Màu sắc chủ đạo họ sử dụng nhiều nhất là đen và đỏ.

4. H’rê

Vải thổ cẩm của người H’re được nhiều người nhận xét là sự kết hợp giữa đặc trưng của người Dao và người H’ mông. Màu sắc phổ biến nhất với vải thổ cẩm cũng là màu đen và đỏ kết hợp kiểu hoa văn có dạng hình thoi lớn.

5. Bana

Màu sắc chủ đạo vải dệt thổ cẩm của dân tộc Ba na là màu đen, đỏ và trắng. Thông thường, hoa văn vải thổ cẩm của người Bana thường sử dụng họa tiết thể hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây. Ngoài ra, còn có các loại hoa văn của thiên nhiên, hoa lá, núi rừng.

6. Mường

Hoa văn thổ cẩm của người Mường có nét đặc trưng là thường sử dụng các họa tiết của thiên nhiên và rừng núi như hạt gấc, hoa hồi, hoa dẻ, quả trám…

7. Thái

Vải thổ cẩm của người Thái có thể nói là nổi bật nhất trong các dân tộc khi được dệt với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, đen, tím, trắng, xanh lá cây. Các họa tiết trên vải thổ cẩm của người Thái thường thể hiện sự trường tồn của thiên nhiên, vũ trụ.

Ứng dụng của vải thổ cẩm trong cuộc sống

1. May trang phục truyền thống

Ứng dụng lớn nhất của vải thổ cẩm chính là để sử dụng may các loại trang phục truyền thống hay các phụ kiện toát lên nét đặc trưng của mỗi dân tộc như khăn buộc đầu, khăn choàng,… giống như dân tộc Thái, Hà Nì, Dao Đỏ. Mỗi loại trang phục sẽ thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền riêng để nhìn là có thể nhận ra luôn.

2. Trang phục thổ cẩm trong thời trang

Hiện nay, nhiều nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu thổ cẩm trong các bộ sưu tập trình diễn thời trang thổi một luồng gió mới vào vải thổ cẩm. Sau khi được tạo thành những bộ trang phục thời trang thì nét đẹp truyền thống kết hợp với nét đẹp hiện đại, tinh tế đã tạo ra những bộ sưu tập được đánh giá rất cao và tạo được ấn tượng đẹp với bạn bè thế giới.

Ngoài việc may trang phục thì chất liệu thổ cẩm còn được dùng để may các loại ví, túi xách tạo được phong cách cá tính và sự nổi bật cho người sử dụng khi mang bên mình những sản phẩm này. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, giày thổ cẩm đã trở thành nét đẹp cực kì độc đáo và trở thành item tuyệt vời trong set đồ của bạn.

Vai trò của vải thổ cẩm với xu hướng phát triển của ngành thời trang và du lịch

Hiện nay, không khó để bắt gặp các bộ sưu tập vải thổ cẩm của các nhà thiết kế thời trang trên những sàn diễn. Tiềm năng của vải thổ cẩm là rất lớn trong ngành thời trang và du lịch. Những bộ sưu tập thời trang đã đưa vải thổ cẩm đến gần hơn với cuộc sống và tôn vinh được nét đẹp của vải thổ cẩm để quảng bá đến bạn bè quốc tế. Bên cạnh lĩnh vực thời trang thì vải thổ cẩm còn giải quyết được các vấn đề về môi trường, sức khỏe, khí hậu, xu hướng người dùng… Vải thổ cẩm đã mở ra một trào lưu không sử dụng màu nhuộm có hại cho môi trường.

Ngoài ra, hoạ tiết thổ cẩm còn được đem vào ứng dụng trong các thiết kế đồ họa và sử dụng trong trang trí nhà cửa với các đồ dùng như thảm trải sàn, bình gốm, tách trà. Đồng thời, họa tiết thổ cẩm còn là một trong những nhân tố góp phần phát triển ngành du lịch khi quảng bá được sản phẩm đến bạn bè quốc tế và khách du lịch. Khách quốc tế khi đến với Việt Nam rất thích các sản phẩm làm từ thổ cẩm nên đã mua mang về, tại một số quốc gia người Việt đã mang vải thổ cẩm và các vật dụng bán trong các cửa hàng cũng nhận được nhiều sự yêu thích.

det7-1665426928.jpg
Hiện nay, không khó để bắt gặp các bộ sưu tập vải thổ cẩm của các nhà thiết kế thời trang trên những sàn diễn. Ảnh minh hoạ

Những làng nghề thổ cẩm nổi tiếng của Việt Nam

Làng thổ cẩm của người Chăm

Làng Mỹ Nghiệp (huyện Ninh Phước) là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận đã tồn tại hơn 4 thế kỷ. Truyền thuyết kể rằng, vào thế kỷ XVII có một người phụ nữ tên Ponagar đã đặt chân đến đây và nhận thấy điều kiện tự nhiên phong phú hợp để trồng bông, dệt vải truyền nghề cho người dân sống tại đây.

Thổ cẩm của làng Mỹ Nghiệp sử dụng những tông màu chính là đen phối hợp với các màu khác như đỏ, xanh, vàng trong cách trang trí họa tiết, nguyên liệu của vải ở đây chủ yếu được lấy từ thiên nhiên. Hiện nay, khi đến với làng thổ cẩm của người Chăm du khách vừa được chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đa dạng lại còn được trải nghiệm đời sống của những người Chăm vô cùng phong phú và được nghe về nguồn gốc, kĩ thuật của những loại vải thổ cẩm.

Làng nghề thổ cẩm Zara (Quảng Nam)

Một làng nghề thổ cẩm nổi tiếng nữa phải kể đến chính là làng nghề truyền thống của người Cơ Tu tại làng Zara (xã Tà Bhing huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam). Nhằm phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm thì hợp tác xã thổ cẩm đã được thành lập. Nhờ đó, đã tạo việc làm ổn định cho người dân sống tại đây kho các thành viên sẽ tập trung dệt, thêu, may tại hợp tác xã để bán sản phẩm và xuất khẩu. Các sản phẩm của làng nghề này rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc nên được nhiều người yêu thích.

Làng dệt thổ cẩm Hà Ri (Bình Định)

Làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp huyện Vĩnh Thạnh) là địa điểm còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của người Bana trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Những tấm vải của làng Hà Ri được dệt một cách cẩn thận và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Mọi nguyên liệu để dệt cũng do chính người dân tự sản xuất khi vừa trồng bông, thu hoạch và kéo sợi. Do đó, họ luôn chủ động trong các sản phẩm của mình và mang đến những sản phẩm vô cùng tinh tế.

Làng dệt thổ cẩm vùng cao Bản Bút (Thanh Hóa)

Cộng đồng tộc người Thái ở Bản Bút (xã Nam Xuân huyện Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa) cũng là một làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nếu như ngày trước các sản phẩm thổ cẩm của chủ yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt và tập tục của đồng bào người Thái thì hiện nay sản phẩm thổ cẩm đã được mang đi bán ở nhiều nơi để quảng bá sản phẩm của làng dệt với những nơi khác. Hiện nay, dựa vào sự phát triển của làng nghề mà địa phương đã chú trọng việc gìn giữ phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống để nâng cao thu nhập cho người dân.

Làng dệt thổ cẩm B’’nerC (Tây Nguyên)

Làng dệt thổ cẩm B’nerC của người K’Ho thuộc khu du lịch LangBiang cũng là một trong những làng nghề truyền thống và địa điểm du lịch nổi tiếng ở Lâm Đồng. Sản phẩm thổ cẩm của B’nerC rất đa dạng và sử dụng nhiều màu sắc vô cùng sặc sỡ, bắt mắt. Nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn khi kết hợp giữa phát huy truyền thống với phát triển du lịch đem đến cho người dân công việc và nguồn thu nhập mới. Bên cạnh đó, khi đến đây du khách có thể thuê những bộ trang phục thổ cẩm để chụp ảnh.

det2-1665426928.jpeg
Nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một nét tinh hoa trong văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát triển vì đã có thời điểm nghề này tưởng chừng bị mai một. Ảnh minh hoạ

Nghề dệt thổ cẩm đã trở thành một nét tinh hoa trong văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát triển vì đã có thời điểm nghề này tưởng chừng bị mai một. Các làng nghề truyền thống cũng đang góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế với những sản phẩm cực kì đặc sắc, nổi bật.

Nghề dệt thổ cẩm của Việt Nam đã trở thành một trong những nhân tố góp phần phát triển du lịch đây là một nét tinh hoa mà chúng ta cần phải hết sức giữ gìn và phát triển để có thể mang nhiều sản phẩm của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
TIN LIÊN QUAN
Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • 0939.964.689