Mỗi cô con gái xuất hiện trong cuộc đời người cha luôn là những thiên thần bé nhỏ. Những gã đàn ông bỗng chốc thấy cả thế giới như thu bé lại, và niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao mỗi ngày là được hàng ngày ở bên con. Thông thường, bố luôn thường cưng chiều con gái hơn và con cũng rất tình cảm với bố.
Tùng Lê là một ông bố có tới 3 cô con gái. Ông bố này đã có một căn nhà liền kề tại Ecopark, được hoàn thiện với những vật liệu thô mộc, được thiết kế để đưa thiên nhiên vào nhà. Ông bố này chia sẻ: “Cứ nghĩ mà xem, con gái thì sau nó theo chồng, nên tôi làm cái gì cũng đều có chủ ý, để con có những kí ức đẹp, ngay cả việc trồng 1 cái cây. Sau này con lớn, nhà có cây bưởi, có mùi hương bưởi ngay phòng ngủ của con thì cứ đến mùa có hương bưởi, con sẽ nhớ đến gia đình, nhớ đến kí ức tuổi thơ.

Những người bố vẫn hay rơi nước mắt khi dắt tay con gái trong ngày cưới, trao con gái mình cho 1 chàng trai sẽ trở thành chàng rể. Những ông bố luôn lo xa, nghĩ xa, và ông bố Lê Tùng này cũng vậy: “Những ngày Tết, tôi luôn sẽ làm Tết thật to, có sự chuẩn bị kĩ càng. Vợ chồng tôi dạy các con cách chọn đào chọn quất thế nào, gói bánh chưng thế nào. Làm cái gì, đặc biệt là làm nhà ở đâu thì tôi cũng đều hướng đến việc đó. Những giây phút, những kỳ nghỉ bên gia đình luôn là quan trọng. Sau này các con lớn, rồi có người yêu, lấy chồng, có con cái thì luôn nhớ về gia đình, đến ngày hẹn trở về với gia đình, với cha mẹ là phải có mặt”.
Chính vì rất yêu con, muốn đáp ứng ước mơ của con là được trở về với biển, anh Tùng đã mua tận 2 mảnh đất tại một làng chài ven biển ở Phú Yên: “Căn nhà thứ 2, căn nhà gần biển là món quà mà vợ chồng mình tặng cho các con, cho các con được sống với những câu chuyện thường chỉ đọc thấy trên sách vở. Xây nhà gần biển để các con được thở hơi thở đồng quê, được ngắm những ánh trăng to đùng vào đêm rằm và tai thì đc nghe tiếng ầm ào của biển”.
Anh Tùng cho biết căn nhà được mang tên của Home of Dreamers – ngôi nhà ước mơ, theo ý của các con anh. Lý do anh chọn Phú Yên bởi ở đây có bờ biển được mệnh danh là sạch nhất Việt Nam. Ngôi nhà nằm trong một quần thể làng chài cổ là làng Lò. Anh Tùng chia sẻ: “Cả làng Lò vẫn sống với hơi thở của biển của nghề, họ vẫn hào sảng và hồn hậu như đúng con người sinh ra ở biển. Họ chấp nhận nhân tố mới với một tâm thế đáng yêu vô cùng, họ thương gia đình mình như những người con ở xa về. Khi về đây, chúng tôi nhận được những món quà treo ở cánh cổng vào các buổi sáng. Giờ thì gia đình tôi cũng như dân làng, mơ mộng và hi vọng một ngày nào đó làng thoát nghèo mà vẫn giữ lại đc những niềm xưa cũ”.
Từ khi mua xong, anh Tùng đã phải dồn sức 3 tháng để xây sửa, từng ngày chờ mong ngôi nhà mới bên biển xong kịp để cứu vãn mùa hè cho lũ trẻ.
Hiện tại, sau 3 tháng sửa sang, căn nhà ven biển đã hoàn thành. Anh Tùng do có công việc nên vẫn ở tại Hà Nội, còn 3 cô con gái của anh đã vào Phú Yên và tận hưởng mùa hè, tận hưởng hương vị của biển tại ngôi làng chài cổ yên bình với những con người hồn hậu, dễ mến.




Anh Tùng cho biết khi xây dựng thì cái khó nhất là sự đấu tranh giữa xây nhằm mục đích kinh doanh hoặc bảo tồn hiện trạng để hòa chung và không phá vỡ tổng thể trong làng cổ. Nếu chỉ hướng đến kinh doanh thì xây dựng làm sao để các căn phòng có view biển để hút khách, nhưng vì tiếc cái quần thể thấp tầng và những mái ngói nên cuối cùng anh quyết định sẽ giữ nguyên,chấp nhận mất đi view biển đê gìn giữ căn nhà cổ. Các vật liệu để xây dựng căn nhà, đặc biệt là mái ngói được sử dụng các vật liệu địa phương quen thuộc và gần gũi với nơi này.

Những mảng tường cũ của căn nhà cổ đã hòa quyện với những phần xây mới. Xây dựng nhằm tối ưu kinh doanh nhưng phá vỡ tổng thể là điều vẫn thường thấy ở nhiều địa phương mới chớm phát triển du lịch, và không phải ai cũng chọn làm như anh Tùng.












