Môi giới bất động sản “than trời”
Liên tục kích chuột để “thả dạo” một vài bình luận rao bán đất nền vào những bài đăng có tương tác cao trên trang mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Thị Huyền – Môi giới bất động sản ở khu Đông TP Hồ Chí Minh chép miệng: “Phải siêng bình luận như vậy mới mong có khách hàng. Từ tháng 7 âm lịch cho đến nay, thị trường nhà, đất chững xuống hẳn, khách hàng chẳng mấy ai quan tâm, hỏi han như trước, lượng giao dịch thành công gần như rất ít. Có phát tờ rơi, gọi điện chào hàng liên tục thì cũng ế ẩm”.

Làm nghề môi giới bất động sản đã hơn 5 năm, chị Huyền không còn lạ lẫm với tình trạng ế ẩm trong tháng 7 âm lịch. Để vượt qua cái tháng “đen tối” này, chị vẫn kiên trì gọi điện chào hàng, đăng tin rao bán trên các trang web, hội nhóm mua bán nhà đất với hy vọng sẽ có khách hàng quan tâm.
Không phải dẫn khách đi xem dự án thường xuyên, chị Huyền có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn trước. Để không rơi vào tình cảnh “ăn không ngồi rồi”, chị chuyển sang kinh doanh quán hủ tiếu cùng bạn. Mỗi ngày, chị Huyền đều thức dậy từ 5h sáng để đi chợ mua nguyên liệu tươi ngon rồi mang đến quán và bắt đầu nấu nướng. Thu nhập từ công việc tay trái này không nhiều nhưng cũng đủ để chị trang trải được các khoản sinh hoạt phí trong thời điểm công việc môi giới bất động sản đang gặp khó khăn.
Khác với chị Huyền, anh Nguyễn Minh Vũ – Môi giới bất động sản tự do ở Đà Nẵng tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi trong tháng cô hồn để đi du lịch. Trong tháng 7 âm lịch vừa qua, anh đã đi khám phá hết tất cả các tỉnh thành miền Tây. Dù tốn rất nhiều tiền cho chuyến đi du lịch lần này nhưng đối với anh, đây là một trải nghiệm quý báu.
Theo anh Vũ, thực tế những năm trước vẫn có khách hàng mua nhà, mua đất trong tháng 7 âm lịch. Nhưng năm nay không có khách hàng nào quan tâm, các sàn giao dịch rất vắng vẻ, số lượng giao dịch thành công rất ít.

Đa số khách hàng mua bất động sản đều tránh tháng 7 âm lịch. Ở những khu vực phía Nam, dù không quá kiêng kỵ trong tháng này nhưng nhiều nhà đầu tư lớn vẫn xem đây là tháng cần hạn chế giao dịch nếu như muốn “ăn nên làm ra. Cho nên, đây là tháng khó khăn và cũng là một tháng rảnh rỗi nhất của những người làm nghề môi giới bất động sản.
“Mọi năm còn có khách hỏi mua, còn năm nay từ đầu tháng đến cuối tháng không có ai hỏi thăm, chào mời thì liên tục bị từ chối. Thời gian rảnh rỗi trong tháng nhiều nên tôi quyết định đi du lịch một chuyến và xem đây là một phần thưởng cho bản thân sau một thời dài làm việc vất vả”, anh Vũ chia sẻ.
Tâm lý “tháng cô hồn” không đáng lo ngại
Quan niệm tránh mua nhà, mua đất, mua xe vào tháng cô hồn đã ăn sâu vào thói quen mua sắm của nhiều người dân Việt. Nhà đất là một tài sản có giá trị lớn nên nhiều người sẽ hạn chế mua, đặc biệt là đối với những loại hình bất động sản bị sang tên qua nhiều chủ.
Ông Lê Hữu Châu, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở TP Hồ Chí Minh cho biết, vào những năm 90, tâm lý kiêng kỵ trong việc mua tài sản có giá trị ở Việt Nam rất nặng nề. Tuy nhiên, với lối sống ngày càng hội nhập và hiện đại, quan niệm này đã “thoáng” và cởi mở hơn trước.
Theo ông Châu, vốn dĩ, việc môi giới không bán được hàng trong tháng 7 âm lịch vừa qua là do thị trường bất động sản gặp khó do một loạt rào cản lớn từ trước đó. Cụ thể, thời gian vừa qua, thị trường nhà, đất bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, những rào cản về pháp lý, siết tín dụng,… Đến nay, khi gặp thêm rào cản tâm lý tháng cô hồn nên thị trường càng trở nên khó khăn thêm.
“Nếu tâm lý thị trường tốt thì việc kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch sẽ không quá quan ngại đối với môi giới bất động sản. Bây giờ, đa số các nhà đầu tư đều có lối sống hiện đại, không quá kiêng kỵ những vấn đề như vậy”, ông Châu nói.

Còn theo ông David Jackson – Tổng Giám đốc Collier Việt Nam, việc lượng giao dịch bất động sản sụt giảm trong tháng 7 âm lịch đã được ghi nhận từ nhiều năm trước. Bất động sản là một loại tài sản có giá trị lớn, nhiều người phải tích góp rất lâu mới mua được nên việc khách hàng kiêng kị “xuống tiền” vào tháng này là điều dễ hiểu.
Riêng năm nay, thị trường bất động sản gặp khó là do một loạt vướng mắc về pháp lý, chính sách siết tín dụng. Cộng thêm tác động của dịch Covid-19 nên thị trường trong tháng 7 âm lịch mới không có nhiều diễn biến tích cực. Để đối phó với tình trạng ế ẩm trong tháng này, nhiều chủ đầu tư đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, mức giá ưu đãi. Đồng thời, một số chủ đầu tư còn mở bán những sản phẩm đẹp trong tháng cô hồn để kích cầu.
Tổng Giám đốc Collier Việt Nam cho rằng, việc mua bất động sản trong tháng cô hồn là một khoản đầu tư tốt. Những người không kiêng kỵ quá nhiều thì nên mua những loại bất động sản tiềm năng ngay cả trong tháng 7 âm lịch vì sẽ hưởng được nhiều ưu đãi về giá và có đa dạng sản phẩm để lựa chọn.
Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm 2022, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, ở mọi phân khúc đều không có nhiều diễn biến tích cực do việc Chính phủ vẫn quản lý chặt tín dụng và dòng vốn đổ vào bất động sản. Nhà đầu tư bất động sản sử dụng nguồn vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn.