Sơ lược về quá trình phát triển tranh dân gian Việt Nam

Trong kho tàng di sản văn hóa – nghệ thuật của dân tộc, tranh dân gian có vị trí vô cùng quan trọng để góp phần vào sự phát triển của lịch sử Việt Nam. Tranh dân gian có ngôn ngữ đặc thù để trở thành những tư liệu vật chất để cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp khác nhau của mỗi vùng miền. Về cơ bản, tranh dân gian Việt Nam được chia thành hai loại là tranh Thờ và tranh Tết. Trong đó, tranh thờ là hình thức phản ánh sinh động và thể hiện nhu cầu tâm linh của những cộng đồng người khác nhau thông qua đời sống sinh hoạt, lễ tết, cúng bái… Tranh Tết lại hình thức thể hiện mong ước của người dân trong mỗi dịp Tết cổ truyền. Một số chủ đề phổ biến của những loại tranh Tết như mong cầu bình an, gia đình sum vầy, học hành, thi cử, làm ăn phát đạt,… Bên cạnh đó, cũng có những bức tranh thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc… Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về mọi người sẽ lại mua tranh chơi Tết như một cách để mang lại bình an, may mắn trong một năm.

Không ai rõ tranh dân gian Việt Nam ra đời từ lúc nào nhưng dựa vào những đặc thù cơ bản về kỹ thuật chế tác được truyền đời mà các nhà nghiên cứu nhận định tranh dân gian Việt Nam đã ra đời từ rất lâu. Nếu theo các tài liệu nghiên cứu thì việc in ấn và phổ cập các loại văn bản thiết yếu đã có từ hàng nghìn năm trước. Vào cuối thời Trần (1225 – 1400) người Việt Nam đã in được tiền giấy. Đến thời Lê sơ, từ thế kỷ XV, chúng ta tiếp tục có bước tiến kĩ thuật khi đã biết khắc ván in của Trung Quốc. Vì có mối quan hệ mật thiết nên khi nghề in, khắc gỗ ở Việt Nam phát triển thì việc sản xuất tranh dân gian cũng mở rộng ở nhiều địa phương hoặc phát triển thành những làng nghề truyền thống để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của mọi người. Hàng loạt các trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian đã ra đời được đặt theo tên địa danh nổi tiếng như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Kim Hoàng (Hà Tây cũ), Hàng Trống (Hà Nội), Sình (Huế), Nam Hoành (Nghệ An),… Các làng nghề này đều sản xuất tranh dân gian dựa trên nguyên tắc cơ bản là in, nhưng mỗi nơi lại có những đặc trưng riêng về màu sắc, nội dung, kĩ thuật vẽ hay in ấn để tạo nên đặc trưng không thể nhầm lẫn với những nơi khác.

tranh3-1665540368.jpg
Trong kho tàng di sản văn hóa – nghệ thuật của dân tộc, tranh dân gian có vị trí vô cùng quan trọng để góp phần vào sự phát triển của lịch sử Việt Nam. Ảnh minh họa

Những làng nghề tranh dân gian nổi tiếng Việt Nam

1. Tranh Đông Hồ

Tranh Đông Hồ là tên gọi tắt của Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một dòng tranh đã có từ lâu của Việt Nam xuất xứ từ làng Đông Hồ, nằm ven sông Đuống thời xưa gọi là làng Đông Mái (hay làng Mái), thuộc tổng Hồ, huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc (nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đây là một dòng tranh nổi tiếng từ lâu đời ở Việt Nam và đã trở thành linh hồn văn hóa của người Việt.

Đặc trưng của tranh Đông Hồ in màu trước, in nét sau và được thực hiện hoàn toàn bằng tay với các bản màu và mỗi màu lại dùng một bản màu khác nhau, tức là một tờ tranh có bao nhiêu màu thì sẽ có bấy nhiêu ván in tương xứng. Thông thường sẽ phải in màu xong mới in nét viền quanh để tạo ra khung tranh ổn định và cực kì nét. Qua đó, tranh sẽ được sản xuất với số lượng lớn mà không cần nhiều kĩ năng cầu kỳ.

Tranh dân gian Đông hồ sẽ có năm thể loại chính là tranh thờ, tranh truyện, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh sinh hoạt. Loại hình phổ biến nhất được nhiều người sử dụng vẫn là tranh chúc tụng. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay thì nghề in tranh khắc gỗ ở Đông Hồ không còn nhộn nhịp, phổ biến như xưa. Song, những gia đình ở đây vẫn còn giữ tiếp tục làm nghề và truyền nghề vì với họ đây là báu vật để truyền lại cho con cháu đời sau.

2. Tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, nơi đây cũng từng là địa điểm bán tranh dân gian nổi tiếng khắp chốn kinh kì. Tranh Hàng Trống là loại hình tranh khắc gỗ do một số gia đình nghệ nhân ở Hà Nội sản xuất hoặc ở các địa phương làm tranh với loại tranh chủ yếu là tranh thờ. Hàng Trống không phải là làng nghề sản xuất mà các nơi khác mang tranh đến đây bán cùng với các đồ thờ khác. Do đó, lâu dần mọi người quen gọi đây là tranh Hàng Trống để chỉ những loại tranh có cùng một kĩ thuật, phong cách,…

Trước khi có tên là phố Hàng Trống, thì nơi này được người Pháp gọi là “phố Thợ Thêu” (Rue des broderies) sau đó đổi tên thành phố Jules Ferry. Nhưng vì phố này hay bán trống nên lâu dần người dân quen gọi là phố Hàng Trống. Kể từ đó các hộ hộ gia đình làm nghề lâu đời ở đây và cả những thợ vẽ và khắc tài hoa đã đến đây làm thuê cho các chủ xưởng tranh mang đến nguồn thu nhập ổn định và biến nơi đây trở thành một làng nghề truyền thống. Để phân biệt tranh của Hàng Trống với những nơi khác người ta đã thêu kèm tên thương hiệu như: Thanh An, Vĩnh Lợi, Phúc Bình, Nhân Hưng,… Tuy nhiên, tranh Hàng Trống đã thất truyền và hiện nay chỉ còn lưu trữ trong viện bảo tàng.

tranh-1665540368.jpg
Không ai rõ tranh dân gian Việt Nam ra đời từ lúc nào nhưng dựa vào những đặc thù cơ bản về kỹ thuật chế tác được truyền đời mà các nhà nghiên cứu nhận định tranh dân gian Việt Nam đã ra đời từ rất lâu. Ảnh minh họa

3. Tranh Kim Hoàng

Tranh Kim Hoàng phát triển khá mạnh từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX đây là sản phẩm của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Theo lịch sử ghi chép lại, trước đây hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng đã hợp lại thành Kim Hoàng để xây dựng đình chung cũng chính là tiền đề cho việc bắt đầu của nghề in tranh trong làng. Hàng năm, người của làng Kim Hoàng sẽ bắt đầu làm tranh từ rằm tháng 11 Âm lịch, đến giáp Tết để kịp phục vụ cho mọi người. Các ván in thường sẽ được giao cho một nghệ nhân có tài vẽ và khắc, phải chờ đến sau ngày giỗ tổ thì mới phát cho từng hộ gia đình. Tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhất vào thế kỷ XIX nhưng bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915 và đến năm 1945 thì tranh Kim Hoàng đã hoàn toàn không sản xuất tranh nữa. Hiện nay cũng chỉ còn 1 vài ván in của dòng tranh Kim Hoàng được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

4. Tranh Làng Sình

Tranh Làng Sình là dòng tranh dân gian mộc bản được sử dụng phổ biến ở khu vực miền Trung Việt Nam với nguồn gốc bắt nguồn từ Cố đô Huế. Làng Sình được thành lập tại một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Đàng Trong về sau trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Nơi đây còn tạo lên một nét văn hóa của vùng đất Cố đô khi có chùa Sùng Hóa trong làng từng là một trong những ngôi chùa lớn nhất vùng Hóa Châu.

Không rõ nghề làm tranh tại làng Sình ra đời từ khi nào nhưng tranh ở đây chủ yếu là để phục vụ cho việc thờ cúng. Nhưng thời điểm hiện tại tranh Làng Sình đã không còn phát triển mạnh như ngày trước và dần mai một. Tranh Làng Sình khác với tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống vì chủ yếu là phục vụ thờ cúng nên người ta thường treo để cúng xong đốt. Vì thế, đến thời điểm hiện tại những bản khắc gỗ của tranh Làng Sình trước kia còn rất ít được cất giữ ở nhà ông Kỳ Hữu. Các bản khắc mới đã được cải biến xa rời với yếu tố gốc và người làm nghề nên chất lượng tranh cũng không tốt như xưa.

5. Tranh thờ của các tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc Việt Nam

Cùng với tranh dân gian của người Việt ở đồng bằng thì tại các vùng dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc còn có nhiều tranh thờ được vẽ hay in gỗ như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… Đây là các loại tranh gắn với tín ngưỡng liên quan tới đạo Phật hay đạo Lão, được sản xuất theo quy trình khá đặc biệt khi vẽ bằng màu bột trên giấy gió bồi dầy, màu sắc, đường nét chân phương, mộc mạc mà vẫn toát lên vẻ u huyền, trang trọng miền sơn cước nhiều kì bí.

Tất cả tranh đều hướng tới việc cầu mong chư vị thần tiên, thánh nhân đạo Phật, đạo Lão luôn che chở cho người dân được ấm no và mong ma quỷ trên trời, dưới đất… không quấy rối gây bệnh tật… Trong loại tranh này luôn phảng phất yếu tố liên quan Phật giáo và chịu ảnh hưởng của các bộ tranh Thập Điện Diêm Vương nhiều chùa giống như ở miền xuôi nhưng đơn giản, mộc mạc hơn. Bố cục của tranh độc lạ, hẹp, dài với sự xuất hiện của nhiều vị thần linh. Trong tranh luôn tuân thủ một quy tắc xã hội là nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to chiếm vị trí trung tâm còn các thần ít quyền năng hơn sẽ được vẽ đơn giản, nhỏ ở xung quanh hoặc phía dưới.

Có thể thấy nghề làm tranh dân gian Việt Nam đang dần bị mai một và hiện nay chỉ còn duy trì pử một số nơi nhất định. Điều đó đã đặt ra một thách thức lớn làm thế nào để cải tạo và phát huy được những giá trị của tranh dân gian khi ngày càng có nhiều công nghệ vẽ tranh mới ra đời? Có lẽ chính thị hiếu của mọi người thay đổi đã khiến cho những làng làm tranh dân gian dần bị thất truyền khi không có người xem. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập từ nghề làm tranh dân gian cũng rất ít trong khi công sức bỏ ra rất nhiều nên đã gây trở ngại lớn cho những hộ dân làng nghề tồn tại.

tranh2-1665540368.jpg
Tranh dân gian Việt Nam đang dần mất đi vị thế và có thể mai một trong tương lai vì vậy rất cần đến những chính sách khuyến khích dòng tranh này được duy trì và phát huy. Ảnh minh họa

Bài viết trên đã cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết về nghề làm tranh dân gian của Việt Nam. Hi vọng nghề làm tranh này sẽ được phục hồi và phát triển để bảo vệ nét đẹp tinh hoa văn hóa người Việt.

Tranh dân gian Việt Nam là một trong những nghề hình thành và tồn tại đến ngày nay, nhưng nghề tranh dân gian đang dần mai một vì sự phát triển nhanh chóng, vượt trội của những nghệ thuật vẽ mới ra đời.
TIN LIÊN QUAN
Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • 0939.964.689