Nguồn gốc của nghề gốm Việt Nam
Từ ngàn đời trước gốm đã trở thành một trong những phát minh quan trọng của tổ tiên ta còn được lưu truyền những giá trị tốt đẹp đến tận ngày nay. Đồ gốm đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân và dưới sự sáng tạo cũng như đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm thì những sản phẩm gốm cổ Việt Nam đã được coi như một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc phản ánh đời sống của dân tộc ta.
Cách đây từ sáu, bảy ngàn năm trước nghề gốm cổ truyền Việt Nam đã xuất hiện trong những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long… Sau đó, chúng ta tiếp tục tìm thấy đồ gốm trong di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, giai đoạn Gò Mun, giai đoạn Đồng Đậu,… Qua từng thời kì lịch sử đồ gốm cổ truyền nước ta đã có những bước phát triển vô cùng đa dạng và cải thiện về cả chất lượng và mặt thẩm mỹ.
Theo các truyền thuyết sự đồ gốm, đồ sứ xuất hiện được ví như một điều bí hiểm, linh thiêng của đất trời chưa có lời giải khi để làm ra đồ gốm phải sử dụng loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ thì mới thiêng. Trước mỗi lần khai thác cần phải chọn ngày lành tháng tốt như khi lấy lên mặt đất phải nhờ ánh sáng của mặt trời rọi xuống thì chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…

Đây chỉ là truyền thuyết nhưng cũng đã cho thấy tầm quan trọng của gốm sứ được nhân dân ta coi trọng. Còn trên thực tế gốm, sứ ra đời phải có sự tác động của trí óc và đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công. Trong cuốn Lịch sử Việt Nam đã ghi lại: “Trong giai đoạn Phùng Nguyên, kỹ thuật tạo chế đồ đá đã đạt đến trình độ cực thịnh. Những chiếc rìu, vồ đục… quy mô to nhỏ khác nhau, được chế tạo bằng cách mài, cưa khoan, rất hoàn thiện. Những vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi… bằng đá được chau chuốt, tiện, gọt tinh vi. Những loại hình đồ gốm (nồi, bát, cốc, vò…) có hình dáng đẹp, chắc, khoẻ, phần nhiều đã được chế tạo từ bàn tay. Mặt ngoài đồ gốm phủ đầy hoa văn trang trí với những đường vạch sắc sảo, những nét cong uyển chuyển, mềm mại, được phối trí, đối xứng và hài hòa. Đó là một biểu hiện về óc thẩm mỹ khá cao của người Việt Nam lúc bấy giờ….”
Có thể thấy vào giai đoạn Phùng Nguyên (cách đây gần 4.000 năm) nghề gốm ở nước ta đã phát triển mạnh. Cho đến một thời kỳ của nước Văn Lang, thời Âu Lạc, kỹ nghệ gốm đã phát triển mạnh với những tác phẩm chế tác cực kì tinh xảo. Song, thời kì thịnh vượng nhất của nghề gốm là vào thời kỳ Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV). Thời điểm này, nước ta phát triển hưng thịnh, quân sự, kinh tế, văn hóa đều có những bước tiến mạnh mẽ cũng như những kĩ nghệ cải tiến.
Thời điểm đó nghề gốm đã minh chứng được sức ảnh hưởng khi có mặt ở khắp các tỉnh thành, nên hiện nay ven các dòng sông người ta vẫn bắt gặp nhiều mảnh sành, mảnh gốm còn vương sót lại. Thậm chí, nhiều lò gốm sứ xuất hiện từ thời Lý – Trần mà đến nay vẫn còn hưng thịnh như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Quế Quyển (Hà Nam Ninh), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Chum Thanh (Thanh Hóa)… Tuy nhiên với mỗi vùng sẽ lại có những kĩ nghệ gốm sứ riêng không trùng lặp và đặc trưng của gốm sứ ở mỗi vùng lại khác nhau đã tạo thêm sự đa dạng và phong phú cho công nghệ gốm Việt Nam. Bởi vì nguyên liệu chính của gốm là phù sa nên không có gì lạ khi các làng nghề gốm đều phát triển dọc sát các triền sông để tiện cho việc lấy nguyên liệu chuyên chở về cơ sở sản xuất.
Theo tài liệu giới thiệu Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà của Ty Văn hóa Hà Bắc, và tài liệu Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng, tư liệu đánh máy của Viện Mỹ thuật đã ghi chi tiết như sau:
“Vào khoảng thời Lý – Trần có người đỗ Thái học sinh (đặc biệt chức Thái học sinh thì mới có từ thời Trần) được cử đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt (Hải Dương). Cả ba ông này, khi đi sứ đã học được nghề sứ gốm. Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Công nghệ có được phân như sau: Ông Kiều về Bồ Bát, ông Tiến về Thổ Hà, ông Tú về Phù Lãng, và:
– Làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng.
– Làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ.
– Làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.
Nửa năm sau nghiên cứu, chế tạo thành công, ba ông lấy các đồ gốm do tay mình chế được, dâng Vua xem. Nhà Vua thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái Quán Thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ sầm uất và linh đình. Sau dâng ba tuần rượu, dân chúng nhảy nhót hoan hô để biểu dương các ngài đem nghề về truyền cho dân. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.”
Hiện tại, ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn còn lưu giữ và trưng bày những đồ gốm, sứ của các thời đại để minh chứng cho sự hưng thịnh của đồ gốm ở nước ta. Đồng thời, đây cũng là một trong những nghề chiếm vị trí quan trọng trong việc pgast triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, những thế hệ sau sẽ có cái nhìn toàn diện và rõ nét về một nét văn hóa cực kì tinh tế của văn hóa Việt Nam.

Một số làng gốm truyền thống nổi tiếng Việt Nam
1. Làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, ngay bên cạnh dòng sông Hồng phù sa đã quá nổi tiếng và còn lưu truyền hoạt động đến tận ngày nay. Lúc đó, Bát Tràng là một gò đất cao gần cạnh sông thuận tiện cho việc đi lại và lấy nguyên liệu cho làng gốm. Trải qua nhiều biến cố lịch sử làng gốm Bát Tràng vẫn tồn tại và ngày càng phát triển. Hiện nay, làng gốm Bát Tràng nằm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã trở thành một địa điểm được nhiều người ghé thăm để trải nghiệm những hoạt động làm gốm vô cùng thú vị tại đây.
2. Làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương)
Đây là một trong số các làng nghề gốm sứ Việt Nam xuất hiện sớm nhất và cực kì nổi tiếng, nhắc đến cái tên Chu Đậu mọi người sẽ nghĩ ngay tới những sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài. Làng gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương được dựng nên vào thế kỷ 13 và phát triển mạnh từ thế kỷ 14. Sau đó đến thế kỷ 17 chiến tranh liên miên đã khiến làng gốm này đã bị suy tàn và thất truyền.
Phải đến năm 2001, gốm Chu Đậu mới được nghiên cứu và nỗ lực phục hồi các chất men, kĩ thuật, kiểu dáng đã trở thành một dấu ấn chuyển mình tiếp tục viết lên thời hoàng kim cho làng gốm Chu Đậu. Đặc trưng của gốm Chu Đậu là mang hơi hướng giá trị Phật giáo và Nho giáo trong từng sản phẩm, đây cũng là nét chấm phá và đặc điểm để nhận diện gốm Chu Đậu so với các làng gốm khác.
3. Làng gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh)
Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tồn tại song song cùng thời với làng gốm Bát Tràng. Tuy nhiên, các sản phẩm ở đây chủ yếu là những sản phẩm gia dụng được tạo hình thủ công trên bàn xoay bằng đất sét nguyên bản. Điểm khác biệt của làng gốm Phù Lãng là lớp men da lươn chỉ sử dụng men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm… Màu men của gốm Phù Lãng cực kì bền vì dùng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong.
4. Làng gốm Thanh Hà (Hội An)
Làng gốm Thanh Hà tại Hội An có tuổi đời khoảng 500 năm nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm gốm đất nung bền đẹp. Nguyên liệu để làm nên các sản phẩm gốm ở đây chính là đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Phần lớn các sản phẩm của làng gốm Thanh Hà đều có màu cam thẫm, nâu đỏ nhẹ và xương gốm xốp rất tinh xảo.
5. Làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang)
Ra đời và phát triển cùng thời với làng Bát Tràng làng gốm Thổ Hà có nét khá tương đồng với làng gốm Phù Lãng. Tuy nhiên, gốm ở đây không dùng men mà được nung ở nhiệt độ cao tự chảy men và thành sành. Các sản phẩm gốm thường có màu nâu sẫm, một sắc tím than trầm. Khi gõ vào sẽ nghe tiếng coong coong cứng như thép gang, các sản phẩm của gốm Thổ Hà cực kì bền khi được làm từ đất sét vàng, sét xanh, ít sạn và tạp chất nên dễ dàng tạo hình theo ý thích.
6. Làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên – Huế)
Đối với làng gốm Phước Tích các sản phẩm được làm chủ yếu từ loại đất sét màu xám đen, khá dẻo và dính với những hoa văn, chi tiết đơn giản. Đặc trưng của làng gốm Phước Tích là người thợ tạo hình thô sơ như thêu, nền đất, bàn chuốt, bàn xoay… Trước đây, gốm Phước Tích chuyên dùng để phục vụ cho Hoàng gia nhà Nguyễn nhưng về sau đã bị suy tàn nên hiện nay đang được nỗ lực khôi phục theo hướng sản xuất mỹ nghệ để nghề gốm tại đây không bị thất truyền đáng tiếc.

Nghề gốm đã trở thành một nghề cao quý trong lịch sử cho đến hiện tại, không thể phủ nhận những giá trị văn hóa nghệ thuật mà gốm sứ mang lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải giữ gìn và phát huy các giá trị của gốm sứ Việt Nam tránh việc nghề này bị thất truyền.